Tin tức thang máy
Thang máy biến thành phòng ăn, nhà vệ sinh
Ngoài chức năng vận chuyển, thang máy ở Việt Nam còn có thêm những công dụng khác như là nơi dỗ trẻ nhỏ ăn, chuyên chở xe máy, xe đạp, nơi vứt rác hoặc là khu vệ sinh bất đắc dĩ…
Tại các thành phố lớn, việc sống trong các căn hộ chung cư cao tầng và lựa chọn thang máy làm phương tiện di chuyển đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, do thang máy là một dịch vụ công cộng nên rất nhiều người đã không có ý thức sử dụng cũng như bảo quản. Ở rất nhiều nơi, thang máy biến thành một thiết bị đa chức năng. Chính cách sử dụng vô tâm, thiếu hiểu biết này đã khiến cho thang máy nhanh hỏng hóc, xuống cấp, gây ra những nguy hiểm cho chính bản thân người sử dụng.
Thang máy biến thành phòng ăn để dỗ trẻ nhỏ
Rất nhiều bậc phụ huynh mang tâm lý chiều con nên thường xuyên cho con vào thang máy để… chơi. Tại một chung cư nằm ở Hà Đông, Hà Nội, khi cửa thang máy vừa kịp khép lại, mọi người trong cabin vô cùng lo lắng và hốt hoảng khi thấy một đứa trẻ bỗng khóc ngặt nghẽo, mặc dù đang đi cùng mẹ. Hỏi han ra mới biết được nguyên nhân là do thang máy đông người, nên con chị không thể thực hiện bấm nút trên thang máy được.
Còn tại một chung cư ở Cầu Giấy, mọi người sống ở đây đã không còn lạ gì với hình ảnh cứ tầm trưa và chiều, hễ đi thang máy sẽ bắt gặp hai bà cháu đang dỗ nhau ăn bột. Ngày nào cũng như ngày nào, để cháu mình ăn hết bát bột, bà lại đưa cháu vào thang máy, đi lên đi xuống, nhấn nút liên tục. Mặc dù đã được bảo vệ ở đây nhắc nhở là chỉ nên dỗ cho cháu ăn ở ngoài hành lang để tránh làm ảnh hưởng tới người khác, nhưng với tâm lý đây là đồ dùng công cộng, bà vẫn tiếp diễn như vậy hàng ngày.
Xả rác, tè bậy nơi thang máy
Ông Hùng – một nhân viên quản lý tòa chung cư tại Cầu Giấy cho biết vẫn nhớ như in trường hợp một gia đình sinh sống trong tòa nhà, sau khi trở về với dáng điệu say mèm đã tự ý tè bậy ngay trong thang máy. Khi được hỏi, anh ta cũng chỉ giải thích đơn thuần là do tưởng nhầm thang máy là toilet. Mặc dù trường hợp này đáng phải lên án, nhưng vì chưa có quy định nào về mức phạt, nên cũng chỉ thực hiện được ở mức nhắc nhở mà thôi.
Còn chuyện xả rác trong thang máy, đã thành chuyện “cơm bữa”. Ở các chung cư, người dân tự tiện mang rác trong nhà ra để trong thang máy với lý do vô tư nhất “Đằng nào cũng có nhân viên vệ sinh dọn dẹp”. Ngay cả tại các trung tâm thương mại, nơi tập trung đông đảo những người được coi là có cách sống hòa nhập, văn minh một chút mà tình trạng này vẫn rất phổ biến. Nhiều thanh niên trẻ đi xem phim, khi vào thang máy cũng tiện tay để lại trong cabin vỏ hộp nước uống, vỏ gói ăn vặt… Nhân viên vệ sinh tại những nơi này, làm việc hết công suất mà cũng chẳng kịp giải quyết hết tình hình.
Vận chuyển xe máy lên căn hộ bằng thang máy giúp tiết kiệm chi phí
Ở tại các chung cư, việc mất phí hàng tháng cho công tác gửi và trông giữ xe cộ là điều đương nhiên. Tuy khoản tiền không quá lớn, nhưng trong tâm lý người Việt thì “tiết kiệm được khoản nào thì tốt khoản đó” đã bám rễ từ lâu. Nhiều người, sau khi đi xe về đến chung cư thì cho luôn xe vào trong thang máy để di chuyển lên căn hộ. Thang máy bỗng dưng biến thành một công cụ vận chuyển đồ chuyên nghiệp. Một vài khách Tây đã từng chứng kiến cảnh tượng này đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và nói rằng làm vậy là hoàn toàn không đúng. Vô hình chung, người Việt đã tự làm mất hình ảnh đẹp của mình trong mắt người nước ngoài.
Ý thức người dân còn kém với vấn đề văn hóa thang máy
Khi nhắc đến vấn đề ý thức của người dân trong việc sử dụng thang máy, hầu hết các ban quản lý tòa nhà, chung cư nào cũng đều có chung một nhận định là “Ý thức còn kém”. Hầu hết mọi người còn chưa bắt kịp được với nhịp sống hiện đại, thích ứng để thay đổi sao cho phù hợp với môi trường mới này. Gần như rất ít người chịu quan tâm và để ý tới việc chấp hành nội quy sao cho đúng, ý thức bảo vệ thiết bị công cộng còn hạn chế.
Không chỉ những ứng xử văn hóa nơi thang máy còn yếu mà thậm chí cả kiến thức để xử lý khi gặp phải các sự cố thang máy cũng còn rất nông cạn. Mỗi khi gặp một tình huống nào, người dân cũng đều hoảng hốt và la ó, phê phán đơn vị quản lý tòa nhà, nhưng nếu đề cập đến vấn đề trang bị, học hỏi kiến thức xử lý khi mắc kẹt thang máy thì ai cũng lảng tránh, không muốn tham gia.
Một phần nguyên nhân khiến cho việc thang máy xuống cấp chính là do khách hàng, người sử dụng không chịu hợp tác, tuân thủ theo những quy định sử dụng chung. Có lẽ đã đến lúc người Việt cần cư xử đúng mực hơn, có văn hóa hơn nếu không muốn tự mình gây nguy hại cho mình.