Tin tức thang máy
Tai nạn thang máy ở tòa nhà N5A trách nhiệm thuộc về ai
Hẳn rất nhiều người còn nhớ tới vụ tai nạn thang máy vào cuối tháng 6/2014 tại nhà N5A, đường Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội làm một bảo vệ tử vong. Sau vụ tai nạn đó một số cá nhân cho rằng lỗi là do người bảo vệ này bất cẩn nên mới bị ngã từ tầng 7 xuống đáy hố thang máy tầng 1, gây tử vong. Vậy trách nhiệm lúc này thuộc về ai?
Vụ tai nạn thương tâm này đã làm “cảnh tỉnh” nhiều bên liên quan.
Ngày 17/9, Báo Điện Tử của bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc này. Mặc dù vụ tai nạn thương tâm này không ai muốn nó xảy ra, nhưng nó cũng đã xảy ra rồi. Hẳn không ít người tự đặt ra câu hỏi, vậy trách nhiệm trong vụ tai nạn thang máy này thuộc về ai. Có phải thuộc về tập thể, cá nhân do việc không sử dụng kinh phí bảo trì trong quá trình vận hành thang máy, hay tình hình chậm thành lập Ban quản trị nhà chung cư, khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn quy trình bảo trì thang máy trong các tòa nhà chung cư mà để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm đứng ra bảo vệ cho người bị nạn.
Trả lời phỏng vấn của Báo Điện Tử Xây dựng, luật sư Trương Anh Tú cho biết vụ việc xảy ra là kết quả của một chuỗi yếu tố trực tiếp và gián tiếp tác động, nên vụ tai nạn này cũng phải xem xét là hệ quả của một chuỗi nguyên nhân. Theo luật sư, sự bất cẩn của người bảo vệ - tức là nạn nhân vụ việc này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết thương tâm cho chính nạn nhân, nhưng luật sư cũng khẳng định nguyên nhân này chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.
Sở dĩ, tòa nhà chung cư N5A, đường Hoàng Đạo Thúy do Công ty TNHH Quản Lý & Phát triển nhà Hà Nội quản lý vận hành. Theo quy định của Pháp luật đối với trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư thì công ty này phải có trách nhiệm liên tục kiểm tra chi tiết, cụ thể các bộ phận trong hệ thống tòa nhà, để có thể phát hiện nhanh chóng những hỏng hóc và có thể sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, sự hoạt động, vận hành của doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư cũng chịu sự giám sát của Ban Quản lý nhà theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 12, quyết định 08/2008/QĐ-BXD.
Trong trường hợp này, được biết thang máy đã bị hỏng từ nhiều tháng và cư dân chung cư đã nhiều lần phản ảnh về tình trạng này nhưng vẫn không có người đến để sửa chữa. Vì vậy, có thể cho rằng cả Ban quản lý và Doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư đã không thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Nếu hai cơ quan này sớm khắc phục, sửa chữa hư hỏng thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Bên cạnh đó Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị cũng phải có trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động theo quy định của Bộ lao động năm 2014, lý do vì ông Trần Anh Tuấn- nạn nhân vụ tai nạn thang máy là nhân viên của Công ty này. Đồng thời, Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng đơn vị được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng hệ thống thang máy cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật Dân sự.